Sự hài lòng của khách hàng là gì? Phương pháp đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng

SimpleTech
Th 4 03/07/2024
Nội dung bài viết

Sự hài lòng của khách hàng đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào mong muốn duy trì và phát triển. Đây không chỉ đơn thuần là việc giành được sự chấp nhận của người tiêu dùng trên thị trường mà còn là yếu tố giúp thương hiệu phát triển thành công bền vững. Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc hiểu và đánh giá sự hài lòng của khách hàng là một thách thức lớn.

Sự hài lòng của khách hàng là gì?

Sự hài lòng của khách hàng (hay Customer Satisfaction - CS) là một khái niệm quan trọng trong ngành kinh doanh và dịch vụ. Đây là một loại cảm giác được thỏa mãn khi khách hàng được đáp ứng mong muốn và kỳ vọng của họ đối với sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Nó không chỉ đánh giá sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm dịch vụ mà còn có thể phản ánh khả năng của doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Có thể hiểu đơn giản là sau khi mua hàng hoặc sử dụng sản phẩm dịch vụ, khách hàng sẽ so sánh với kỳ vọng ban đầu, từ đó sẽ thể hiện sự hài lòng nếu nó đáp ứng được kỳ vọng, còn không thì khách hàng sẽ cảm thấy không hài lòng.

Sự hài lòng của khách hàng là gì?

Tầm quan trọng của sự hài lòng của khách hàng

Sự hài lòng của khách hàng được xem như sức mạnh của doanh nghiệp để đưa doanh nghiệp đi lên và thành công trong thị trường ngày càng cạnh tranh như bây giờ. Nó không chỉ giúp cho doanh nghiệp giữ chân khách hàng hiện tại mà còn có thể tạo một lượng lớn khách hàng tiềm năng mới nhờ vào sự đề xuất của khách hàng hiện tại hay còn gọi là tiếp thị truyền miệng. Sự hài lòng của khách hàng cũng có thể tác động mạnh mẽ đến tên tuổi của thương hiệu bởi những đánh giá tiêu cực hoặc tích cực của họ. Điều này còn dẫn đến việc tạo ra cơ hội bán hàng và tăng doanh thu lợi nhuận khi mức độ hài lòng của khách hàng càng cao. 

Hơn nữa, với thị trường cực kỳ cạnh tranh với hàng trăm người bán thì bên cạnh chất lượng dịch vụ tốt việc xây dựng quan hệ và chăm sóc khách hàng tốt cũng là một điểm cần chú trọng. Việc nắm bắt nhu cầu, ý kiến phản hồi của khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện sản phẩm dịch vụ nhằm chăm sóc khách hàng của họ một cách tốt hơn. Tóm lại, việc đáp ứng các mong muốn và kỳ vọng của khách hàng luôn được các doanh nghiệp ưu tiên nhằm thúc đẩy và xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng

Mức độ hài lòng của khách hàng có thể bị tác động hay ảnh hưởng ít nhiều từ nhiều yếu tố khác nhau nhưng chung quy lại có 5 yếu tố chính làm ảnh hưởng nhất:

  • Chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ: Sự hài lòng của khách hàng luôn được tạo ra bởi sự so sánh giữa kỳ vọng và thực tế, chính vì thế chất lượng sản phẩm dịch vụ luôn là điểm quan tâm lớn nhất của khách hàng. Để khách hàng hài lòng, doanh nghiệp nên duy trì chất lượng sản phẩm dịch vụ ổn định để có thể tạo điểm cộng trong mắt khách hàng cũng như giữ chân khách hàng và tạo nhiều cơ hội bán hàng mới

  • Trải nghiệm khách hàng: Đây là cảm nhận toàn diện của khách hàng từ khi tìm hiểu, mua hàng, sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ cho đến khi nhận được hỗ trợ sau bán hàng. Việc chăm sóc khách hàng, tư vấn hỗ trợ hay giải quyết các vấn đề khách hàng khiếu nại cũng quan trọng tạo nên sự hài lòng. Theo đó, một quy trình chăm sóc khách hàng tận tình có thể tạo ấn tượng tốt và tăng độ hài lòng lên cao. Hãy chú ý rằng bạn có thể vẫn bị đánh giá không hài lòng nếu cách phục vụ kém dù sản phẩm có chất lượng đến đâu.

  • Đội ngũ nhân viên: Sự hài lòng của khách hàng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thái độ và kỹ năng giao tiếp của nhân viên phục vụ. Vì thế hãy chú ý đào tạo nhân viên để “ăn điểm” trong mắt khách hàng.

  • Giá cả: Một mức giá cạnh tranh cũng có thể giúp bạn đứng đầu trong mắt khách hàng bởi khách hàng cũng đánh giá xem chất lượng và giá phải chi ra có xứng đáng hay không. Vì vậy, hãy cung cấp sản phẩm chất lượng và giá thành hợp lý để nhận lại sự hài lòng cao hơn của khách hàng.

Các mức độ hài lòng của khách hàng

Sau đây là 5 mức độ hài lòng của khách hàng trong đo lường sự hài lòng:

  • Rất không hài lòng: Đây là mức độ thấp nhất, khách hàng cảm thấy thất vọng khi sử dụng sản phẩm và khả năng cao sẽ không bao giờ quay lại sử dụng tiếp sản phẩm hay dịch vụ này. Tệ hơn khách hàng có thể phản ánh xấu thương hiệu và lan truyền cho những người khác

  • Không hài lòng: Mức độ này nhẹ hơn nhưng khách hàng cũng thể hiện sự thất vọng và không thỏa mãn nhu cầu của họ ở một số điểm trên sản phẩm hay trong quá trình mua hàng. dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp, chất lượng không giống quảng cáo,...

  • Bình thường/ Không có ý kiến: Mức độ này cho thấy khách hàng không quá ấn tượng với sản phẩm và khả năng mua lại sản phẩm là 50/50 nếu họ không tìm được sản phẩm tốt hơn.

  • Hài lòng: Khách hàng chấp nhận sản phẩm và hài lòng về nó nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng ở mức tối đa, đây là lúc doanh nghiệp nên đầu tư thêm vào sản phẩm để đạt được mức hài lòng cao nhất của khách hàng.

  • Rất Hài lòng: Đây là mức độ hài lòng cao nhất, khi khách hàng cảm thấy rất hài lòng và có thể sẵn sàng giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ này cho người khác.

Các phương pháp đánh giá sự hài lòng của khách hàng

Khảo sát trực tuyến

Với thời đại internet phát triển như hiện nay thì khảo sát khách hàng trực tuyến được xem là phương pháp phổ biến để đánh giá sự hài lòng của khách hàng. Các doanh nghiệp thường thiết kế các câu hỏi về sản phẩm/ dịch vụ của họ để khảo sát ý kiến của khách hàng. Các câu hỏi có thể liên quan đến chất lượng sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm sử dụng, và độ hài lòng chung. Một số công cụ hỗ trợ khảo sát trực tuyến như: Google Form, Google Surveys, Formstack, Email,...

Phương pháp đánh giá sự hài lòng khách hàng

Phỏng vấn trực tiếp

Phỏng vấn trực tiếp là một phương pháp truyền thống cho phép doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp và gần gũi hơn với khách hàng để thu thập ý kiến phản hồi. Điều này giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những gì khách hàng thực sự mong đợi và những vấn đề mà họ đang gặp phải.

Phân tích các đánh giá trên nền tảng mạng xã hội

Ngày nay việc khách hàng công khai chia sẻ những feedback hay đánh giá về sản phẩm, dịch vụ họ đã trải nghiệm rất phổ biến. Phân tích đánh giá trên mạng xã hội giúp doanh nghiệp đánh giá được dư luận đang có xu hướng ra sao và tạo ra các chiến lược nhằm cải thiện dựa trên phản hồi từ cộng đồng mạng.

Theo dõi hành vi khách hàng

Theo dõi hành vi khách hàng trên các nền tảng trực tuyến (ví dụ như website, ứng dụng di động) cũng là một phương pháp cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin khi khách hàng để lại những đánh giá hay tương tác trên các nền tảng này.Những dữ liệu này đều được lưu trữ và giúp doanh nghiệp dễ dàng phân tích, đánh giá.

Phần mềm đánh giá mức độ độ hài lòng

Các phần mềm đánh giá sự hài lòng cung cấp cho doanh nghiệp những công cụ để tổ chức và phân tích dữ liệu phản hồi của khách hàng một cách hiệu quả. Chúng thường có tính năng tự động hóa quy trình thu thập phản hồi và phân tích dữ liệu.

Quy trình đánh giá sự hài lòng của khách hàng

Quy trình đánh giá sự hài lòng của khách hàng thường bao gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị kế hoạch: Ở bước này bạn nên xác định mục tiêu cụ thể cho cuộc khảo sát, đối tượng của bạn là ai? Bạn muốn đo lường những gì? Bạn đang muốn xem phản hồi của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ hay về nhân viên trong doanh nghiệp? Sau đó hãy lên một bộ tiêu chí đánh giá cụ thể chi tiết cho bảng khảo sát khách hàng.

Bước 2:Lựa chọn phương pháp đánh giá khảo sát phù hợp: Doanh nghiệp có thể lựa chọn khảo sát khách hàng trực tiếp, trực tuyến tùy theo nhu cầu thu thập thông tin, ngân sách, khả năng thực hiện nhưng hãy đảm bảo rằng khảo sát này sẽ dễ dàng cho khách hàng tham gia nhé.

Bước 3:Tạo bộ câu hỏi khảo sát: Hãy lên một danh sách các câu hỏi mà bạn muốn khách hàng để lại phản hồi, đừng quên chú ý đến độ dài bảng khảo sát để không khiến khách hàng khó chịu mà doanh nghiệp bạn vẫn có thể thu thập đủ thông tin. 

Bước 4:Thu thập phản hồi của khách hàng: Chọn thời điểm khảo sát phù hợp và tổ chức việc thu thập phản hồi của khách hàng thông qua các phương pháp đã chọn.

Bước 5:Phân tích và đánh giá: Tổng hợp phản hồi, bắt đầu xử lý và phân tích dữ liệu để hiểu được mức độ hài lòng hiện tại của khách hàng và các vấn đề cụ thể mà khách hàng đang không hài lòng với sản phẩm, dịch vụ.

Bước 6:Tạo ra chiến lược cải thiện: Dựa trên những phản hồi và dữ liệu thu thập được, doanh nghiệp nên phát triển các chiến lược cải thiện để tăng cường sự hài lòng của khách hàng.

Các chỉ số đo lường sự hài lòng của khách hàng

Các doanh nghiệp thường sử dụng các chỉ số sau để đo lường sự hài lòng của khách hàng:

  • Net Promoter Score (NPS): Chỉ số này đo lường mức độ của khách hàng sẵn lòng giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ họ đã trải nghiệm cho những người khác.

  • Customer Satisfaction Score (CSAT): Đo lường mức độ hài lòng tổng thể của sau khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của khách hàng.

  • Customer Effort Score (CES): Đo lường mức độ nỗ lực mà khách hàng phải bỏ ra để sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Ba chỉ số trên có mục đích khác nhau trong đo lường sự hài lòng của khách hàng và được các doanh nghiệp áp dụng vào việc nghiên cứu độ hài lòng của khách hàng. Tuy nhiên, việc kết hợp cả ba chỉ số này có thể giúp doanh nghiệp thấu hiểu mong muốn và kỳ vọng của khách hàng một cách toàn diện hơn để từ đó cải thiện tối ưu sản phẩm, chất lượng dịch vụ và quy trình chăm sóc khách hàng tốt hơn đạt độ hài lòng cao nhất.

Chiến lược tối ưu sự hài lòng của khách hàng

Trong kinh doanh, để có chỗ đứng trong thị trường bạn phải biết cách phục vụ và làm hài lòng khách hàng, hãy xây dựng một chiến lược nhằm tối ưu mức độ hài lòng của khách hàng nhé.

  • Cải thiện chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ: Tập trung vào việc nâng cao chất lượng để đáp ứng được mong đợi của khách hàng. Sau khi khảo sát khách hàng, hãy lắng nghe để xem xét khách hàng đang không hài lòng ở những điểm nào và cố gắng cải thiện, tối ưu những vấn đề đó, nhằm tạo ra một sản phẩm chất lượng tốt nhất thỏa mãn được khách hàng vừa tạo thiện cảm ngày càng tăng đối với khách hàng.

  • Tăng cường trải nghiệm khách hàng: Đầu tư vào các chiến lược để cải thiện trải nghiệm mua hàng và sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của khách hàng. Hãy tạo ra một quy trình bán hàng bài bản mang lại giá trị cho khách hàng và tận tình hỗ trợ khách hàng trong toàn bộ quá trình, từ đó khách hàng sẽ hài lòng và đặt niềm tin vào thương hiệu của bạn.

  • Đào tạo nhân viên: Đào tạo nhân viên để cải thiện kỹ năng giao tiếp và khả năng giải quyết vấn đề là một việc quan trọng. Khách hàng ấn tượng với tác phong phục vụ lịch sự. chuyên nghiệp và thân thiện. Đây cũng là bí quyết của những doanh nghiệp thành công trong việc “chiếm lĩnh” lòng trung thành của khách hàng.

Sự hài lòng của khách hàng góp phần tạo nên sức mạnh cạnh tranh cực lớn cho doanh nghiệp trên thị trường. Doanh nghiệp nào nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của khách hàng để đáp ứng và nhận được độ niềm tin, độ hài lòng tốt thì doanh nghiệp đó chiến thắng và đứng vững trên thị trường. Vì thế, các doanh nghiệp luôn đầu tư vào phương pháp đánh giá sự hài lòng của khách hàng nhằm đưa ra những chiến lược hợp lý để tối ưu sự hài lòng của khách hàng.

Nội dung bài viết